Những món đồ nội thất bằng gỗ có tuổi thọ rất cao, đặc biệt là các loại gỗ tự nhiên cao cấp. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết như tại Việt Nam, không thể tránh khỏi việc xuất hiện bụi hay các vết ố, vết mốc sau một thời gian dài sử dụng, khiến gỗ bị phai màu, trở nên cũ kỹ và mất đi tính thẩm mỹ. Cách vệ sinh đồ gỗ thật sự rất đơn giản, chỉ với một vài nguyên liệu dễ tìm như: giấm ăn, chanh, xà phòng, sữa bò… sẽ giúp bạn đánh bay mọi vấn đề trên bề mặt gỗ. Hãy theo dõi những mẹo làm sạch đồ gỗ thông dụng được TAM Design bật mí sau đây!
Cùng tham khảo để biến những vật dụng nội thất gỗ tại nhà lấy lại vẻ đẹp vốn có nhé
10 cách vệ sinh đồ gỗ dễ dàng
Đồ nội thất bằng gỗ luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong thiết kế nội thất căn hộ, biệt thự hiện nay. Bên cạnh những lợi thế về thẩm mỹ, chất lượng, đồ nội thất gỗ cũng không tránh khỏi sự “mài mòn” của thời gian, bị bụi bẩn khó ưa bám vào bề mặt gỗ. Với 10 cách vệ sinh đồ gỗ sau, bụi bẩn không còn là vấn đề của bạn nữa.
- Sử dụng xà phòng và nước ấm: hỗn hợp này vô cùng thông dụng, ai cũng có thể sử dụng để làm sạch bụi cho đồ nội thất gỗ. Cho hỗn hợp vào một cái bình xịt và xịt lên bề mặt gỗ, sau đó dùng một chiếc khăn khô mềm mại lau trên bề mặt một cách nhẹ nhàng để đánh bay bụi bẩn. Những nơi họa tiết cầu kỳ, phức tạp thì sử dụng bàn chải đánh răng để vệ sinh những ngóc ngách nhỏ nhất.
- Sử dụng dầu ăn và sáp ong: cách vệ sinh đồ gỗ này tuy phức tạp hơn cách trên nhưng có tác dụng làm sạch và giúp đồ gỗ bền màu, sáng bóng. Bạn cho một ít dầu ăn cùng sáp ong vào chưng cách thủy đến khi nào tạo thành hỗn hợp. Sau đó, dùng hỗn hợp bôi lên những chỗ bám bẩn, dùng bàn chải cọ sạch và lau sạch lại bằng khăn là được.
- Sử dụng sữa bò: đây là cách vệ sinh đồ gỗ mà ít ai nghĩ đến. Đồ nội thất gỗ có đánh vecni nên được vệ sinh theo cách này để mang lại vẻ sáng bóng, đẹp như mới. Bạn chỉ cần lấy một ít sữa bò lau khắp lớp sơn vecni và đợi đến khi khô hoàn toàn rồi dùng bàn chải ướt chà sạch bề mặt gỗ.
- Sử dụng giấm ăn hoặc chanh pha loãng: 2 nguyên liệu giấm và chanh có tính axit cao nên sử dụng để làm sạch đồ gỗ cũng hoàn toàn hợp lý. Cách sử dụng như sau: pha loãng giấm/ chanh với nước theo tỉ lệ 1:4. Nhúng một chiếc vải mềm vào dung dịch đã pha rồi lau trên mặt gỗ. Sau đó, dùng một chiếc khăn ẩm lau lại vài lần là xong.
- Sử dụng muối và thuốc tẩy: bạn hãy pha hỗn hợp này theo công thức: 10g muối + 90g thuốc tẩy + 1l nước. Khuấy đều hỗn hợp và sử dụng chổi cầm tay để quét lên bề mặt. Sau đó, đợi cho dung dịch ngấm vào lớp gỗ rồi mới dùng nước sạch lau lại. Lưu ý là sử dụng nước sạch, không dùng khăn lau khô ngay vì dung dịch có thuốc tẩy nên phải lau lại thật sạch.
Trên đây là 5 cách vệ sinh đồ gỗ mang lại hiệu quả cao mà nhiều người đã áp dụng thành công. Tuy nhiên, còn một số cách vệ sinh đồ gỗ khác, được ít người dùng hơn nhưng bạn vẫn có thể áp dụng nếu có những nguyên liệu này ngay tại nhà.
- Sử dụng nước trà: pha một ấm trà đậm đặc, lấy khăn mềm nhúng vào nước trà, lau bề mặt gỗ từ 2-3 lần.
- Sử dụng bia: dùng khăn mềm nhúng vào bia, lau khắp bề mặt gỗ đến khi hết vết bẩn.
- Sử dụng dầu parafin (dầu trắng): thực hiện giống như trên, nhưng khi lớp dầu khô thì chùi mặt gỗ thêm 1 lần nữa với dầu thông để mặt gỗ thêm sáng bóng.
- Sử dụng bột mì/ bột gạo với dầu ăn: trộn đều hỗn hợp cho quánh lại rồi bôi một lượng vừa đủ vào chỗ bẩn, sau đó lau lại bằng nước là được.
- Sử dụng chất đánh bóng gỗ chuyên dụng: bình xịt đánh bóng gỗ thường được bán tại các siêu thị, bạn chỉ cần xịt và lau bề mặt gỗ bằng khăn khô để đánh bay bụi bẩn. Đây là cách vệ sinh đồ gỗ hiệu quả nhất
5 mẹo làm sạch đồ gỗ bị mốc
- Phơi nắng đồ gỗ: nhiều người cho rằng phơi nắng có thể làm cho gỗ bị phai màu, điều này là đúng nếu tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên. Trường hợp đồ gỗ bị mốc thì bạn hãy dùng khăn khô lau sạch phần nấm mốc, sau đó di chuyển đồ gỗ ra chỗ có nắng. Chỉ cần phơi trong 1-2 ngày để hết nấm mốc, phơi lâu hơn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gỗ.
- Sử dụng giấm và rượu: trộn đều giám và rượu, sau đó xịt lên bề mặt khăn mềm. Dùng khăn lau lên bề mặt gỗ chỗ bị nấm mốc cho thật sạch. Sau đó cũng phơi nắng để mang lại hiệu quả tốt hơn.
- Sử dụng rượu Vodka: đổ rượu vào một bình xịt, xịt lên chỗ bị nấm mốc. Sau đó đem phơi nắng giống như các cách trên.
- Sử dụng chất tẩy rửa: khi đồ nội thất gỗ đã bị nấm mốc quá nặng thì chỉ còn cách là sử dụng hóa chất chuyên dùng để loại bỏ nấm mốc. Hóa chất này được bán rất nhiều ngoài thị trường nhưng nên hạn chế sử dụng nhiều vì đặc tính tẩy rửa mạnh, gỗ có thể bị phai màu.
- Sơn lại bề mặt gỗ: đây là cách cuối cùng mà bạn nên làm cho đồ nội thất gỗ bị nấm mốc. Với cách này, đảm bảo nấm mốc sẽ rất khó có cơ hội quay lại trên đồ nội thất gỗ.
5 mẹo xử lý bề mặt gỗ bị ố vàng, bị cháy, dính mực, sơn
Đối với bề mặt gỗ bị ố vàng, trong quá trình sử dụng chắc chắn không thể tránh khỏi bị ố do vết trà, nước ngọt hay vết dầu loang… bạn có thể áp dụng cách sử dụng dầu ăn và sáp ong như trên. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể dùng kem đánh răng để lau trên bề mặt, nhưng không nên dùng sức quá mạnh để tránh làm hỏng độ bóng bên ngoài của đồ gỗ.
Đối với bề mặt gỗ bị dính sơn, bạn có thể dùng chất tẩy sơn nhưng nếu không cẩn thận thì dễ gây trầy xước, tróc lớp phủ melamine hay veneer bên ngoài. Còn một số cách khác bạn có thể áp dụng là dùng giấm pha loãng (tỉ lệ 1:4) hay dùng xăng thơm để tẩy sạch vết sơn trên đồ gỗ.
Đối với bề mặt gỗ có vết nứt, cách xử lý các vết nứt này tốt nhất chính là che lấp các vết nứt đó lại. Bạn có thể sử dụng sáp ong nhét kín vào khe nứt và sơn một lớp vecni lên trên. Tuy nhiên, với các vết nứt lớn, bạn nên xé vụn giấy, báo rồi trộn cùng phèn chua và nước, rồi đun sôi trên lửa đến khi quệt lại như keo. Để hỗn hợp nguội rồi nhét vào khe nứt, phơi khô lại là xong.
Đối với bề mặt gỗ có vết cháy, thông thường các vết cháy được tạo ra bởi tàn thuốc lá hay que diêm chưa tắt hẳn rơi trên bề mặt gỗ. Để xử lý vết cháy, bạn cần quấn một lớp vải sợi mịn vào đầu que tăm, lau nhẹ vào vết cháy, sau đó bôi lên vết cháy một lớp nến mỏng để làm mờ, xóa đi vết cháy.
Đối với bề mặt gỗ bị dính mực, có thể xử lý nội thất gỗ dính mực bằng nhiều cách khác nhau. Sử dụng kem đánh răng chà trực tiếp lên vết bẩn hoặc đổ rượu/ cồn lên vết mực, lau lại nhanh bằng miếng khăn mềm để tránh rượu bay hơi. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng cả baking soda (thuốc muối) hoặc xăng/ dầu, đây là các chất có tác dụng tẩy rửa các vết bẩn cứng đầu cực kỳ dễ dàng.
Với những cách làm sạch bụi và một vài mẹo làm sạch đồ gỗ như trên, giờ đây bạn không cần phải lo lắng khi các món đồ nội thất gỗ trong nhà bị bám bụi, nấm mốc hay ố vàng, ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của không gian nội thất.
Nhận thông tin sản phẩm mới và chương trình khuyến mãi.
Nếu cảm thấy phiền, bạn có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào.